XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Lúa gạo vừa là nguồn lương thực quan trọng, vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Trung bình một năm, Việt Nam sản xuất khoảng 26 – 28 triệu tấn gạo, sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 – 6,5 triệu tấn gạo/năm, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa chính chiếm đến hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả. Hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm  khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hạt gạo Việt  đã có mặt trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á, trong đó, Trung Quốc và Philippines là hai thị trường chính của xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, ngành lúa gạo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập, dịch bệnh Covid -19 bùng phát. Làm thế nào để tận dụng được các cơ hội vượt qua thách thức, khắc phục những hạn chế của ngành, đẩy mạnh xuất khẩu gạo là vấn đề đang đặt ra cần giải quyết.

1. Thực trạng xuất khẩu gạo

Năm 2020, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu do tác động hết sức phức tạp của dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch và bảo đảm an ninh lương thực, vừa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng, giúp người dân tiêu thụ thóc, gạo với số lượng và giá cả tốt nhất. Cho tới nay, có thể thấy cả 2 mục tiêu lớn do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với sản xuất – xuất khẩu gạo đều đã đạt được. An ninh lương thực được bảo đảm tuyệt đối trong năm 2020, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất, khi dịch bệnh bùng phát và nước ngoài tăng mạnh mua gạo từ Việt Nam. Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 6,25 triệu tấn, trị giá đạt 3,12 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 1,9% so với năm 2019, chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 11,2%. Giá xuất khẩu bình quân cả năm đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa.

Thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là châu Á, đặc biệt là Philippines luôn đứng ở vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm tới 33,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2020 đạt 2,22 triệu tấn và 1,06 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 19,3% về giá trị so với năm 2019.

Về chủng loại xuất khẩu, trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 45,1% tổng kim ngạch, đạt 2,76 triệu tấn; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 26,8%, đạt 1,64 triệu tấn; gạo tấm: chiếm 13,65%, đạt 834,4 nghìn tấn; gạo nếp chiếm 8,9% đạt 547,9 nghìn tấn; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.

Có thể thấy, Thứ nhất kết quả xuất khẩu gạo năm 2020 tiếp tục tăng dù lượng gạo xuất khẩu giảm  là do Việt Nam đang thay thế dần các loại gạo phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao để vào thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc. Thứ hai, tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai mạnh mẽ đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng. Thứ ba, những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia mang tầm chiến lược như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) đã tạo điều kiện cho gạo Việt Nam bứt phá. Thứ tư, tình hình dịch COVID-19 làm suy giảm nhiều ngành nghề, nhưng nhu cầu về lương thực không giảm mà còn tăng, đây cũng là nguyên nhân khách hàng vẫn cần mua gạo Việt Nam. Những nguyên nhân này đã tác động và tạo nên vị thế, giá trị gia tăng cho xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Năm 2021, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), kế hoạch sản xuất lúa của nước ta là gieo trồng 7,257 triệu ha, sản lượng thu hoạch khoảng 43,3-43,5 triệu tấn thóc, tương đương 26 triệu tấn gạo. Dự tính nhu cầu tiêu thụ trong nước gần 30 triệu tấn thóc, còn lại 13 triệu tấn thóc – tương đương 6,5 triệu tấn gạo cần xuất khẩu trong năm 2021.

Ngay trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 2,6 triệu tấn, tương đương 1,41 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 542,8 USD/năm. Philippines vẫn luôn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc ở vị trí thứ 2 và đứng thứ ba là Ghana. Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Kết quả xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2021 là tín hiệu khởi sắc, giúp ngành lúa gạo Việt Nam kỳ vọng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2021. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong xuất khẩu gạo.

Kim ngạch và thị trường xuất khẩu gạo năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021

(Theo số liệu công bố ngày 13/1/2021 và ngày 12/6/2021 của TCHQ)

Thị trường 5 tháng đầu năm 2021 Năm 2020
Lượng (tấn) Trị giá (USD)
Lượng (tấn) Trị giá (USD) So sánh với 2019 về lượng So sánh với 2019 về trị giá Tỷ trọng về lượng Tỷ trọng về trị giá
Tổng cộng 2.598.446 1.410.466.972 6.249.074 3.120.144.255 -1,91 11,18 100 100
Philippines 944.008 501.972.166 2.218.502 1.056.276.415 3,97 19,26 35,5 33,85
Trung Quốc đại lục 482.848 252.947.486 810.838 463.030.978 69,97 92,65 12,98 14,84
Ghana 270.068 158.125.686 522.548 282.293.422 22,32 32,75 8,36 9,05
Hồng Kông (TQ) 35.565 21.778.989 87.605 50.180.370 -27,59 -20,74 1,4 1,61
Malaysia 136.560 72.644.034 547.132 237.314.410 -0,81 8,46 8,76 7,61
Singapore 50.800 29.376.843 110.017 60.945.376 8,92 14,15 1,76 1,95
Australia 16.197 10.211.401 29.523 18.634.458 65,56 67,57 0,47 0,6
Indonesia 13.985 7.161.324 92.587 49.949.480 130,56 171,52 1,48 1,6
Mozambique 17.754 1.767.605 59.967 30.367.351 4,59 10,1 0,96 0,97
Bờ Biển Ngà 199.376 100.958.408 445.961 207.518.982 -23,58 -17,86 7,14 6,65
Mỹ 7.675 5.768.059 20.168 13.941.344 10,05 17,05 0,32 0,45
Đài Loan (TQ) 9.757 5.314.187 20.033 11.270.078 -21,26 -5,54 0,32 0,36
U.A.E 18.263 11.224.376 44.306 25.000.287 -9,97 -2,8 0,71 0,8
Saudi Arabia 10.794 6.871.349 32.849 19.222.309 5,09 12,53 0,53 0,62
Ba Lan 2.931 1.851.049 9.859 5.208.643 8,46 8,96 0,16 0,17
Nam Phi 2.365 1.503.491 6.166 3.430.982 -29,41 -20,37 0,1 0,11
Hà Lan 4.555 3.001.342 8.537 4.472.022 31,24 31,4 0,14 0,14
Ukraine 687 472.431 2.738 1.710.923 8,74 34,26 0,04 0,05
Pháp 1.628 1.108.627 3.430 2.114.084 83,03 93,05 0,05 0,07
Angola 404 211.395 3.472 1.683.948 -78,64 -72,26 0,06 0,05
Algeria 383 274.425 -97,66 -95,63 0,01 0,01
Thổ Nhĩ Kỳ 1.226 861.954 1.593 958.651 11,4 40,1 0,03 0,03
Nga 767 546.737 8.528 3.798.856 -63,57 -60,56 0,14 0,12
Bỉ 1.307 885.479 433 268.142 -71,09 -72,92 0,01 0,01
Bangladesh 52.708 31.884.238 662 341.495 -87,42 -82,47 0,01 0,01
Brunei 321 136.104 -95,93 -95,86 0,01 0
Chile 1.739 841.686 8,69 10,71 0,03 0,03
Iraq 90.000 47.610.003 -70,01 -69,17 1,44 1,53
Cộng hòa Tanzania 6.000 3.722.300 15.221 8.756.253 -25,51 -23,44 0,24 0,28
Tây Ban Nha 233 165.535 1.465 806.077 62,24 94,92 0,02 0,03
Senegal 281 180.880 42.130 15.029.746 -56,42 -53,93 0,67 0,48

Nguồn: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại 

2. Cơ hội và thách thức trong xuất khẩu gạo

Theo dự báo về nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực năm 2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Trong đó, các quốc gia được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines (tăng 13%), Bờ Biển Ngà (tăng 9,1%), Ghana (tăng 5,6%) và EU (tăng 2,1%). Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines  với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

USDA cũng dự báo năm 2021, Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với dự kiến xuất 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến xuất 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang nhận được   nhiều cơ hội kép, bởi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, làm nhu cầu lương thực, thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng cao. Điều này dẫn đến dự báo nhu cầu dự trữ gạo tại các nước sẽ tăng lên, nhất là nhu cầu mua lúa gạo của các thị trường lớn như Phillippines, Malaysia, Trung Quốc, Ghana, Papua New Guinea… Kể cả Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, song đang nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi những đợt mưa lũ lớn liên tiếp gây tổn thất mùa màng, đồng thời đang chịu làn sóng lây nhiễm mới dịch Covid-19, phải kéo dài thời gian phong tỏa.

Trong khi đó, Trung Quốc- nước có dân số đông và tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, hiện đã và đang khống chế được dịch Covid-19, hoạt động giao thương đưa gạo sang Trung Quốc hiện vẫn sôi động.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam hiện đang lâm vào tình thế khó. Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang gặp phải khó khăn về xuất khẩu gạo do đồng Rupee yếu đi và làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại và gây ra khủng hoảng rộng trong xã hội, tác động lên logistics, từ xay xát tới vận chuyển gạo ra cảng. Trong khi đó, Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh và nguồn cung dồi dào nên có điệu kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, Việt Nam đã mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký gần đây như Hiệp định EVFTA; RCEP; UKVFTA và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đã và đang giúp gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường xuất khẩu gạo dần mở rộng sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản, góp phần gia tăng giá trị cho gạo Việt Nam. Năm 2021, với mức thuế ưu đãi trong các hiệp định trên, gạo Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh và cơ hội tăng trưởng tại EU, Anh và các nước thuộc EAEU.

Đặc biệt, mới đây, chính quyền Philippines đã quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 35% (trước đây là 40% đối với gạo nhập khẩu theo hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch) trong vòng 1 năm để tăng nguồn cung gạo, duy trì giá gạo phải chăng và giảm sức ép lạm phát. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Văn phòng Tổng thống đăng công báo là ngày 17/5/2021 và có thời hạn hiệu lực trong 1 năm. Đây là cơ hội cho gạo Việt tăng xuất khẩu sang Philippines – một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.

Bên cạnh những cơ hội thì hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn, dịch bệnh, yêu cầu khắt khe của thị trường về các tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường rất cao vì gạo là mặt hàng nhạy cảm, hiện nhiều nước có xu hướng tự cung tự cấp lúa gạo, hạn chế nhập khẩu. Một số nước áp dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất gạo để nâng cao năng suất. Điều này khiến thị trường lúa gạo bị cạnh tranh rất gay gắt, không chỉ trên thị trường thế giới mà hạt gạo Việt Nam cũng đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà (nhất là các thành phố lớn) với gạo của Thái Lan. Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%. Không có hợp đồng tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh. Sản xuất lúa còn thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, giá thành còn cao và giá trị gia tăng thấp, cơ giới hóa còn chậm, tổn thất sau thu hoạch lớn (hiện nay tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nước ta là 13-16%, Thái Lan khoảng 7-10%). Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, do đó các hợp đồng liên kết hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến nông sản thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản. Công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gạo chưa phát triển đồng đều, nhất là các sản phẩm phụ chưa được chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Ngành lúa gạo có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt góp phần cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, sự phát triển của ngành đang đứng trước nhiều thử thách. Ngành tiếp tục tái cơ cấu mạnh theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước và xuất khẩu. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới cần phải có các giải pháp từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

* Giải pháp từ các cơ quan quản lý Nhà nước:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân phù hợp diễn biến tình hình thị trường, tạo thuận lợi cho thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu cũng đang là yêu cầu cấp bách.

Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Chính phủ, của Bộ Công thương về kinh doanh xuất khẩu gạo như: loại bỏ quy định về địa bàn đầu tư xây dựng, quy mô kho chứa, cơ sở xay xát chế biến thóc, gạo; khuyến khích thương nhân đầu tư sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo có chất lượng, giá trị cao; thương nhân có thể thuê kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh… Đây là những bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã ký nhiều FTA như Hiệp định EVFTA; RCEP; UKVFTA, thì các cơ quan chức năng cần rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách để ứng phó linh hoạt, phù hợp những biến động thường xuyên từ thị trường xuất khẩu gạo.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết để tận dụng tối đa cơ hội mở rộng khai thác các thị trường như Hàn Quốc, EU… Cùng với đó, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, nội luật hóa các cam kết quốc tế, thủ tục hải quan, logistics… giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo khai thác tốt thị trường.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ NN&PTNT – là cơ quan được giao chủ trì về sản xuất tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao giá trị và chất lượng gạo Việt Nam, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, tăng cường chọn tạo và phát triển giống lúa đáp ứng cơ cấu chủng loại gạo theo chiến lược xuất khẩu. Trong đó cần ưu tiên cho giống lúa thơm, đặc sản và phát triển các vùng sản xuất tập trung theo giống được xác định có sự liên kết sản xuất – tiêu thụ, xuất khẩu. Kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để sản phẩm có chất lượng đồng nhất và đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm. Về vấn đề này, cần đáp ứng tuyệt đối quy định mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật và truy xuất được nguồn gốc.

Ngoài ra, để đảm bảo xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, cần thực hiện có hiệu quả các Hiệp định FTA để phát triển thị trường xuất khẩu gạo, trong đó tận dụng khả năng gạo xuất khẩu của Việt Nam có điều kiện thâm nhập các phân khúc gạo cao cấp; hỗ trợ các hoạt động quốc tế quảng bá gạo Việt Nam, tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam ở nước ngoài và tham gia các diễn đàn quốc tế về lúa gạo,… nhằm góp phần đưa giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục đạt giá trị cao.

* Giải pháp từ các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như người nông dân, cần chủ động tìm hiểu về các FTA; chủ động nghiên cứu và thực hiện tốt văn bản hướng dẫn thực thi FTA của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các hiệp định EVFTA, RCEP…; chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu; kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có gạo hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường; cần chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực./.

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại – VIOIT

Trả lời

Translate »